Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Gỡ vướng về thủ tục và mặt bằng

(HPĐT)- Những tháng cuối năm đang đặt ra yêu cầu cao với các địa phương, sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Để về đích theo đúng kế hoạch, 2 yếu tố rất quan trọng liên quan là thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các dự án.

 

UBND quận Hải An tổ chức cưỡng chế tại khu đất 5,4 ha thuộc phường Thành Tô để thực hiện dự án chỉnh trang đô thị. Ảnh: ĐỖ HIỀN

 

Quyết liệt trong giải phóng mặt bằng

Đánh giá kết quả tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố 9 tháng năm 2024 còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra có nguyên nhân do chậm GPMB, còn vướng mắc về thủ tục hành chính. Trong khi đó, số tiền giải ngân trong GPMB chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng vốn đầu tư công. Tại phiên họp thường kỳ 9 tháng năm 2024 của UBND thành phố, đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch UBND quận Kiến An cho biết: Kinh phí thực hiện GPMB chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn vốn đầu tư công. Đơn cử, về nguồn vốn thành phố giao quận có 6 dự án, tổng 242 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp 41 tỷ đồng, GPMB 184 tỷ đồng. Kết quả 9 tháng, quận thực hiện giải ngân 5/6 dự án, đạt khoảng 120 tỷ đồng, bằng 50%. Đối với nguồn vốn thành phố phân cấp cho quận khoảng 309 tỷ đồng, trong đó, quận giải ngân về GPMB đạt 75 tỷ đồng, bằng 24%. Do đó, những tháng cuối năm, quận tập trung GPMB các dự án, quyết tâm phấn đấu giải ngân đạt 95% trở lên.

Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng Phạm Văn Đoan nêu, quận còn vướng mắc trong GPMB đối với 2 dự án để đấu giá quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, dự án dải cây xanh cách ly thuộc khu đường sắt Hà Nội – Hải Phòng trên địa bàn phường Sở Dầu, kinh phí GPMB chiếm tương đối lớn trong tổng vốn đầu tư, nhưng vẫn vướng mắc. Còn dự án chỉnh trang đô thị tại khu vực bến xe Lạc Long, quận đã kiểm đếm, bồi thường, giải ngân được 111 tỷ đồng về công tác GPMB và đang tiếp tục thực hiện kiểm kê bắt buộc đối với 4 doanh nghiệp. Vướng mắc trong GPMB là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của quận còn thấp.

 

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Tập trung cao GPMB, triển khai các dự án, song trong quá trình thực hiện các địa phương cũng gặp những vướng mắc, khó khăn nhất định. Trong đó có những nguyên nhân khách quan sau khi Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung, Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 phát sinh một số thủ tục, quy trình trong việc thực hiện dự án, nhất là dự án nhà ở, dự án đấu giá quyền sử dụng đất của địa phương. Thủ tục phát sinh khiến địa phương phải điều chỉnh hồ sơ, trong đó liên quan đến việc trình xin ý kiến của bộ, ngành Trung ương, như yếu tố bảo đảm quốc phòng-an ninh, điều kiện về bán nhà cho người nước ngoài sở hữu… Cũng có dự án phải thực hiện các thủ tục về kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi từ đất trồng lúa sang mục đích khác…

Thực hiện quy định của Luật Giá năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, UBND thành phố ban hành Quyết định số 10/2024/QĐ- UBND bãi bỏ Quyết định số 50/2019/QĐ-UBND ngày 18-12-2019 của UBND thành phố ban hành Quy định đơn giá cây trồng, vật nuôi là thủy sản, chi phí đầu tư trên đất và mặt nước nuôi trồng thủy sản phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đồng chí Phạm Minh Đức, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết, thực hiện GPMB tuyến đường từ đường tỉnh 354 huyện Tiên Lãng đến Quốc lộ 10 (huyện Vĩnh Bảo), hiện có khoảng 380/530 hộ dân đồng thuận, nhưng địa phương còn đang vướng mắc chờ UBND thành phố ban hành quy định mới thay thế Quyết định số 50. Đây cũng là vướng mắc chung của các quận, huyện trong GPMB.

Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 11-10-2024, UBND thành phố có Quyết định số 3596/QĐ-UBND về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Đồng thời, đầu tháng 10, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố xem xét, cho ý kiến điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến năm 2025, giai đoạn 2021-2025, dự kiến giai đoạn 2026-2030. HĐND thành phố cũng thông qua một số nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án đầu tư phải thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất đối với một số dự án, công trình, từ đó gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ GPMB, thi công các dự án.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp chủ yếu do yếu tố chủ quan từ các sở, ngành và địa phương chưa chủ động, chưa phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao. Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nêu rõ: Các sở, ngành, địa phương cần tập trung tối đa, ưu tiên hàng đầu giải quyết thủ tục các dự án, nhiệm vụ liên quan đến giải phóng mặt bằng, đấu giá đất… để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công được giao.

Xem các tin khác: