Sóng đất lại nổi ở Ba Vì (Hà Nội)
Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng phân khúc đất vườn, đất trang trại ở Ba Vì (Hà Nội) vẫn sôi nổi. Giá vẫn tăng trong suốt 2 năm qua và liên tiếp đón nhận những cú hích mới, đẩy mặt bằng giá đất lên cao.
Giai đoạn 2008-2010, Ba Vì từng là tâm điểm của cơn sốt đất. Thời điểm đó, việc Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội và thông tin đồn thổi Ba Vì sẽ có một khu hành chính, các Bộ ngành tập trung tại đó khiến giá đất Ba Vì liên tục nhảy múa trong thời gian ngắn, dân đầu tư ùn ùn kéo về đây mua đất đón sóng thị trường. Nhiều lô đất diện tích lớn trước đó chỉ vài trăm ngàn đồng/m2 thì trong cơn sốt nhảy lên tới chục triệu đồng, vài chục triệu đồng/m2. Trong cơn nóng sốt, nhiều người đổ về Ba Vì mua đất, quay cuồng trong sóng đất nhưng thậm chí còn không biết đất của mình mua nằm ở đâu.
Thế nhưng khi Hà Nội công bố quy hoạch, thông tin đồn thổi không phải sự thực, không có trung tâm hành chính nào được xây dựng ở Ba Vì, đất khu vực này đã quay đầu tuột dốc không phanh. Giá giảm về mức khi chưa sốt nhưng cũng không có người hỏi mua.
Sau khoảng một thập kỷ im lìm, hai năm gần đây, đất Ba Vì chuyển mình thức giấc, nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư. Sự trỗi dậy này gắn với xu hướng staycation (du lịch tại chỗ, du lịch ngắn ngày) và homecation (trải nghiệm du lịch tại chính nơi mình sinh sống), một hệ quả của đại dịch Covid-19. Xu hướng đổ ra ven đô tìm một không gian sống thoáng đãng, trong lành của giới nhà giàu Hà Nội được kích hoạt và tiếp tục tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh.
Đất Ba Vì lại lên cơn sốt với thông tin quy hoạch khu du lịch Suối Hai
Sức hút đất Ba Vì không chỉ đến từ xu hướng “bỏ phố về quê” mà còn đến từ thông tin quy hoạch. Đó là việc Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ Xây dựng về việc triển khai quy hoạch trong Khu du lịch Quốc gia Ba Vì – Suối Hai, (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội). Được biết, Quy hoạch chung Thủ đô năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, định hướng về phát triển cụm du lịch nghỉ dưỡng Ba Vì – Suối Hai. Khu du lịch Ba Vì – Suối Hai có trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch Quốc gia giai đoạn đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Tại đề cương nhiệm vụ dự án “quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì – Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2020, định hướng đến 2030”, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch phê duyệt, khu vực dự kiến phát triển trở thành khu du lịch quốc gia có quy mô diện tích 1.500ha.
Thông tin này tiếp tục là cái cớ để môi giới, cò đất, đầu nậu đẩy giá đất Ba Vì. Theo khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn, đất khu vực Ba Trại (xã Tản Lĩnh), Thụy An, Cẩm Lĩnh (BaVì) lên cơn sốt. Đất vị trí mặt tiền đường đắc địa, được môi giới quảng cáo là gần khu du lịch Suối Hai thuộc các xã này được chào giá 6-8 triệu đồng/m2 với diện tích dao động từ 300-1.000m2, đất sâu bên trong có vị trí gần khu du lịch Suối Hai, có mức giá từ 1,2-2 triệu đồng/m2 với diện tích từ 1-3ha, với những lô đất diện tích chỉ từ 1.000-2.000m2, mức giá bị đẩy lên 3-5 triệu đồng/m2. Cũng theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, chỉ 3 năm trước, đất vị trí đẹp nhất ở đây, giá cao nhất cũng chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/m2.
Làn sóng nhà giàu Hà Nội đổ về Ba Vì săn đất để xây dựng ngôi nhà thứ hai hay kinh doanh homestay ngày càng đông đảo khiến đội ngũ môi giới, cò đất ở đây càng có cớ để đẩy giá đất. Hiện giá đất ở đây vẫn duy trì mức giá cao.
Trước sự nở rộ của trào lưu nghỉ dưỡng ven đô và sự nóng sốt của đất Ba Vì thời gian qua, nhiều bất cập đã xuất hiện. Một số cá nhân đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở); xây dựng nhiều công trình để ở, sinh hoạt, phục vụ mục đích nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Thực tế này được ghi nhận ở xã Phú Sơn, xã Yên Bài, thôn Hoàng Long (xã Tản Linh)… và nhức nhối đến mức huyện Ba Vì đã phải thực hiện cưỡng chế các biệt thự nghỉ dưỡng và loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp… Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh kiểm tra và có chế tài để chấm dứt tình trạng trên.
Duy Bách