(HPĐT)- Tại cuộc làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, thành phố chủ động, mạnh dạn đề xuất 12 kiến nghị về cơ chế, đầu tư hạ tầng như giao thông, cảng biển, sân bay, năng lượng, khu kinh tế, khu công nghiệp… Đây là thời cơ, điều kiện để Hải Phòng thực hiện khát vọng phát triển bứt phá, hiện thực các mục tiêu đề ra.
Chủ động đề xuất 12 cơ chế đặc biệt
Đánh giá những thành tựu, kết quả nổi bật mà Hải Phòng đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là thành quả hiếm có địa phương nào có được trong lịch sử gần 40 năm đổi mới kinh tế đất nước.
Điều này được chứng minh qua những con số cụ thể khi Hải Phòng ngày càng thể hiện rõ vai trò là thành phố mở cửa và hội nhập, luôn nằm trong tốp đầu tăng trưởng của cả nước. Sau khi có Nghị quyết 45, giai đoạn 2019-2023, tăng trưởng kinh tế bình quân của Hải Phòng đạt 12,6%/năm, gấp 2,44 lần bình quân chung cả nước (5,16%/năm), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018. Quy mô kinh tế của Hải Phòng không ngừng mở rộng, duy trì vị trí thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội và đứng thứ 5 cả nước. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 7.960 USD, bằng 1,87 lần so với cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước; riêng năm 2023 đạt khoảng 104 nghìn tỷ đồng, đứng thứ ba cả nước chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thành phố luôn nằm trong nhóm những địa phương thu hút FDI lớn nhất. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển nhanh, hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; không gian đô thị được mở rộng, thêm nhiều khu mới, văn minh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học – công nghệ, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư lớn, có nhiều cơ chế chính sách tốt và đạt được kết quả toàn diện, nổi bật.
Trên cơ sở đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 45, tháng 9- 2024, Bộ Chính trị có Kết luận số 96 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45. Kỳ vọng, nhiệm vụ đặt ra là Hải Phòng cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á, là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học – công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Từ định hướng này, tại cuộc làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương Đảng, thành phố chủ động, mạnh dạn đưa ra 12 kiến nghị, đề xuất về cơ chế đặc thù, về đầu tư hạ tầng như giao thông, cảng biển, sân bay, năng lượng, khu kinh tế, khu công nghiệp… Thành phố đề xuất Chính phủ sớm ban hành Chương trình hành động thực hiện và triển khai các nhiệm vụ được giao trong Kết luận 96; sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35 của Quốc hội, để trình Quốc hội thông qua trong năm 2025. Ngoài ra, thành phố đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện thuận lợi, phê duyệt chủ trương đầu tư, từ đó sớm triển khai các dự án lớn về hạ tầng như thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố; xây dựng cầu Tân Vũ – Lạch Huyện số 2; tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; khởi động đầu tư xây dựng cảng biển Nam Đồ Sơn; cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng. Bên cạnh đó, thành phố cũng mạnh dạn đề xuất Trung ương có những hỗ trợ, chính sách đặc thù để Hải Phòng trở thành trung tâm năng lượng sạch, trung tâm phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc…
Quyết tâm hiện thực khát vọng phát triển
Những kiến nghị cụ thể, chủ động, thể hiện khát vọng phát triển của thành phố nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất để Hải Phòng phát triển. Thậm chí, có những ý kiến đưa ra gợi ý cao hơn đề xuất của thành phố.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu: Bộ Công Thương đồng tình với các kiến nghị của thành phố khi xác định rất rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Nếu thành phố đưa ra luận cứ đầy đủ về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ, chứng minh điều kiện kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh, tìm được nhà đầu tư lớn, đáp ứng các điều kiện, Bộ Công Thương sẵn sàng phối hợp thành phố và đề xuất Chính phủ phân bổ cho thành phố thực hiện điện gió ngoài khơi cao hơn mức đề xuất là 1.000 MW. Bởi, theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) xác định tổng công suất điện gió ngoài khơi 6.000 MW và chưa xác định địa phương cụ thể. Dự kiến, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Chính phủ cũng chủ trương cho phép điều chỉnh Quy hoạch Điện 8. Do đó, Hải Phòng cần chủ động nghiên cứu, khảo sát, cùng Bộ Công Thương để có thể sớm trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư khi đủ điều kiện, cũng như sẵn sàng triển khai xây dựng các dự án truyền tải điện theo thẩm quyền.
Về việc phê duyệt, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng cảng biển, giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp, từng kiến nghị của thành phố đều được lãnh đạo các bộ, ngành trả lời cụ thể. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung thông tin, Bộ hoàn thành lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và sẽ trình Chính phủ quyết định về việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng ngay tháng 11 này. Lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, bộ đang khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét vào tháng 5-2025 và cuối năm 2025 sẽ khởi công, đến năm 2030 hoàn thành. Tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đi qua 9 tỉnh, thành phố và kết nối tới cảng biển, khu vực hậu cần sau cảng sẽ thực sự tạo cơ hội lớn cho Hải Phòng bứt phá, phát huy tối đa lợi thế cửa ngõ ra biển của cả miền Bắc. Đối với việc lập, quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình nạo vét luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn, Bộ đang khẩn trương lập báo cáo tiền khả thi, với chiều dài luồng khoảng 17 km, đủ điều kiện đáp ứng cho tàu trọng tải lớn ra vào cảng. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 8 nghìn tỷ đồng, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030. Đây cũng là cơ sở để Bộ Giao thông – Vận tải phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố nghiên cứu, kêu gọi đầu tư, lập hồ sơ trình Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư 2 bến khởi động khu bến cảng Nam Đồ Sơn trong năm 2026, hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2030. Ngoài ra, Luật Đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền quản lý các quốc lộ cho địa phương, Hải Phòng có thể chủ động đầu tư, khởi công xây dựng đường dẫn và cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2 theo đúng dự kiến trong năm 2026. Ngoài ra, theo quy hoạch cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác lập quy hoạch chi tiết cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Đồng tình, ủng hộ với các kiến nghị của Hải Phòng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, để Hải Phòng phát triển bứt phá rất cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ cao hơn, đặc thù riêng. Nhưng chỉ Hải Phòng mới hiểu rõ mình cần gì. Do đó, thành phố cần chủ động, nghiên cứu kỹ, thống nhất với các bộ, ngành để có những đề xuất táo tạo, mạnh mẽ hơn, nhất là bảo đảm tính khả thi. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ xem xét, ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 35 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng.
Từ sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, nhất là tình cảm, sự quan tâm, kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và sự đồng tình, ủng hộ từ các bộ, ngành sẽ là động lực khơi thông, để Hải Phòng phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và mọi nguồn lực. Để hiện thực mục tiêu Nghị quyết 45, đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu nêu rõ, thành phố tập trung cao nhất, nguồn lực tốt nhất, con người ưu tú nhất để chủ động phối hợp các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương sớm hiện thực hóa kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Đối với Văn kiện Đại hội 17 của Đảng bộ thành phố, Hải Phòng sẽ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao, với tinh thần quyết tâm cao nhất để thực hiện, nhằm cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.