Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã phát triển bứt phá tiệm cận gần hơn với mục tiêu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là động lực tăng trưởng của vùng Bắc Bộ.
Sự kiện: Hải Phòng
Điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế – xã hội toàn quốc
Sau 5 năm Nghị quyết 45 đi vào cuộc sống, Hải Phòng tự hào về những kết quả đã đạt được, không chỉ qua những số liệu về tăng trưởng kinh tế – xã hội cao trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước, mà còn hiện hữu thật cụ thể, sinh động trong cuộc sống, từ hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển hoàn thiện; đô thị được chỉnh trang, mở rộng theo hướng hiện đại; các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế vào Hải Phòng ngày một tăng.
Hàng loạt dự án nhà ở xã hội hoàn thành, tạo nơi “an cư” cho người lao động thu nhập thấp. Người dân được thụ hưởng những điều tốt đẹp nhất, sống trong những công trình tiện ích với những vườn hoa, cây xanh, khu sinh hoạt công cộng văn minh. Các gia đình chính sách được quan tâm thường xuyên, thể hiện qua sự chăm lo từ vật chất đến tinh thần. Văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm với những cơ chế chính sách và khen thưởng kịp thời…
Cụ thể, quy mô kinh tế Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Tăng trưởng GRDP bình quân đầu người giai đoạn 2019 – 2023 đạt 11,64%/năm; gấp 2,83 lần mức tăng bình quân chung của cả nước và gấp 1,97 lần GRDP vùng Đồng bằng sông Hồng. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019 – 2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Cơ cấu nguồn thu chuyển biến theo hướng tăng tỷ trọng thu ngân sách nội địa, giảm tỷ trọng thu xuất nhập khẩu trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cho thấy xu hướng bền vững hơn khi sự phụ thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước đối với hoạt động thu xuất, nhập khẩu giảm xuống.
Căn cứ vào nội dung một số Đồ án quy hoạch quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hải Phòng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập khu kinh tế mới – Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, với diện tích khoảng 20.000ha – là khu kinh tế sinh thái thế hệ 3.0, đa ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cảng biển, logistics hiện đại và đô thị thông minh. Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng được thành lập sẽ khai thác dư địa phát triển của thành phố, động lực mới thúc đẩy phát triển thành phố trong tương lai.
Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố Hải Phòng cũng có những bước phát triển đột phá. Tính chung giai đoạn 2019 – 2023, Hải Phòng xây mới được 19,67 km đường quốc lộ; 28,78 km đường tỉnh lộ; 55,49 km huyện lộ; 137,04 km đường độ thị. Cảng biển Hải Phòng là cảng biển loại đặc biệt, đang khai thác với 52 bến cảng, nổi bật là Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm, nhất là các chính sách vượt trội như: miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT; về phát triển nhà ở xã hội, nhà ờ cho công nhân, Hải Phòng sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu 15.400 căn nhà ở xã hội đến năm 2025 mà Thủ tướng Chính phủ giao; các chế độ chính sách cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước; phấn đấu hết năm 2024 không còn hộ nghèo; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm; đến năm 2025, 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Đặc biệt, năm 2023, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi bất toàn cầu.
Hiện nay, quan hệ hợp tác giữa thành phố Hải Phòng với các ban, bộ ngành Trung trương và các tỉnh, thành phố, nhất là các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng được tăng cường, thắt chặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả vùng và của cả nước, khẳng định vị thế của Hải Phòng là động lực tăng trưởng của vùng Bắc Bộ.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hoàn thành thắng lợi mục tiêu
Nhận thức, xác định rõ vai trò trách nhiệm của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước, với sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Thành ủy Hải Phòng và các cấp ủy thường xuyên đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thống nhất quan điểm công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục; giữ vững lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng bộ. Lựa chọn những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thể hiện năng lực hoạch định, tầm nhìn dài hạn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh mới.
Sau hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, phân công cụ thể từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách chỉ đạo, các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ trì thực hiện theo hướng rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm đầu ra, thời gian hoàn thành.
Với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 45 đã đề ra, Thành ủy Hải Phòng đã phân tích rõ những khó khăn và hạn chế, tồn tại trong từng lĩnh vực để từ đó đưa ra định hướng và giải pháp trọng tâm. Đồng chí Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng từng nhấn mạnh: Con người Hải Phòng rất yêu, tự hào về quê hương, luôn mang trong mình những khát khao, quyết tâm phát triển. Với bề dày lịch sử, truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng”, đây là nguồn lực để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, vì cả nước.
Theo đồng chí Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng, với bức tranh rạng rỡ về kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng tự hào khi cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra trong chặng đầu thực hiện Nghị quyết.
Đến năm 2025, thành phố sẽ cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đạt các tiêu chí đô thị loại 1; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế; hoàn thành việc di chuyển trung tâm hành chính thành phố sang phía Bắc sông Cấm; xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Để “về đích” mục tiêu đến năm 2025, còn một số phần việc đang trong giai đoạn nước rút, được các cấp, ngành của Hải Phòng nỗ lực tăng tốc. Cũng như còn rất nhiều phần việc cần phấn đấu cao để tạo đà tiếp tục bứt phá hơn nữa, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra đến nằm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu có tính lan tỏa, kết nối cao. Trong đó, sẽ tập trung phát triển công nghiệp, đầu tư hệ thống hạ tầng, thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tạo động lực tăng trưởng đột phá trong giai đoạn tới.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, trong đó trọng tâm là thí điểm mô hình Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng.
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh thu hút nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực thành phố có nhu cầu. Trong đó trọng tâm là phát triển Trường Đại học Hải Phòng trở thành đại học vùng, một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và cả nước; nâng cao chất lượng hệ thống cở sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp của thành phố; thu hút đầu tư cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực uy tín.
Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng an ninh.
Trong đó, vấn đề rất quan trọng đó là phải tiếp tục giữ vững, vun đắp tinh thần đoàn kết, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, để toàn hệ thống chính trị và nhân dân chung sức, đồng lòng nỗ lực, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị phát triển thành phố, xây dựng Hải Phòng đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, thực tiễn phát triển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội; sự phấn khởi, tin tưởng của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng khi đời sống ngày một nâng cao là minh chứng sinh động nhất về kết quả, hiệu quả triển khai Nghị quyết. Với nền tảng vững chắc này, tin tưởng Hải Phòng sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển theo Nghị quyết 45, xứng với niềm tin, sự quan tâm của Trung ương và nhân dân cả nước dành cho thành phố.
Cách đây 5 năm, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó xác định mục tiêu: Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, kinh tế biển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dẫn không ngừng được nâng cao, ngang tâm các thành phổ tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững… |
Mỹ Hạnh