Từng được xem là bến đỗ tiềm năng cho những nhà đầu tư vốn mỏng, làn sóng tăng giá qua 3 năm trở lại đây đang khiến bất động sản (BĐS) tại các tỉnh lân cận TP.HCM trở nên quá tầm tay nhiều người mua.
Hết thời cầm vài trăm triệu đi mua đất tỉnh
“Mới 5 năm trước tôi còn cầm 600 triệu đi mua được lô đất thổ gần ngay khu nội thành Biên Hòa mà giờ thì gần 2 tỷ đồng chỉ tìm mua được nền đất gần ngoại thành, ở mấy khu dân cư mới. Sào đất vườn ở xã Phú Hội (Nhơn Trạch) cuối năm 2016 bán chưa đến 400-500 triệu đồng mà giờ quay lại hỏi thăm người ta bán giá toàn 2-3 tỷ, nghe mà sợ hãi”, ông Xuân Phước, một người dân đang sinh sống tại địa bàn TP. Biên Hòa chia sẻ khi được hỏi về giá đất khu vực vài năm gần đây.
Làn sóng tăng giá BĐS tại các thị trường tỉnh lân cận TP.HCM diễn ra liên tục trong 3 năm trở lại đây khiến nhiều nhà đầu tư vốn mỏng khó chạm tay vào khu vực này. Chị Phạm Thùy Dung, nhân viên văn phòng tại một công ty nội thất ở quận 3, TP.HCM chia sẻ, chị tích góp được hơn 600 triệu đồng và tính đầu tư nhà đất xem như vừa để dành và kiếm thêm. Biết không có cơ hội ở TP.HCM nên chị Dung về các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu tìm mua đất.
Tìm hiểu trên các trang chợ BĐS trực tuyến, chị Dung thấy ở tầm tài chính của mình cũng có rất nhiều thông tin dự án chào bán nhưng đến khi đi thực tế mới vỡ lẽ, tầm giá này chỉ mua được ở mấy khu vùng sâu vùng xa, dịch vụ hay dân cư sinh sống thưa thớt, không có thông tin hạ tầng nổi bật, đầu tư rất lâu mới có lời. Còn ở những khu vực giàu tiềm năng hay gần nội thành, nội thị, vị trí tốt, đường đẹp, pháp lý minh bạch thì giá không có lô nào thấp dưới 1,5 tỷ đồng.
Biên độ tăng giá nhanh khiến nhà đất tại nhiều tỉnh thành giáp ranh TP.HCM không còn tầm giá dưới 1 tỷ đồng cho nhà đầu tư lựa chọn.
“Thấy bảo dưới Phú Mỹ giá đất chỉ tầm 600-700 triệu đồng/nền mà thị trường đang nóng, tôi cũng xuống dưới tìm hiểu nhưng xem xong mới thấy chỗ mua được giá lại cao, chỗ rẻ thì mua không biết khi nào mới bán ra được. Tôi cũng chỉ có tầm vốn nhỏ, mong muốn đầu tư 1-2 năm kiếm chút tiền lời thì bán ra. Nhưng giờ với giá này môi giới nói thẳng là muốn mua đất thì không có nhiều sự lựa chọn”, chị Dung cho biết.
Không chỉ đất nền, phân khúc nhà phố và cả căn hộ cũng đang hẹp cửa với nhà đầu tư yếu về tài chính. Anh Phong, một nhà đầu tư tại Thuận An, Bình Dương chia sẻ, cách đây tầm 3-4 năm, 1 tỷ đồng là tha hồ lựa chọn nhà phố ở vùng ven TP. Thuận An và căn hộ nội thành diện tích 70-80m2. Tuy nhiên hiện tại, giá mềm nhất cũng vào tầm 1,6 tỷ đồng với căn chỉ 51-55m2, muốn mua diện tích lớn trên 60m2 thì giá mềm cũng trên 2 tỷ. Giá nhà phố tăng cao không cần bàn, dưới 3 tỷ đồng thì không mơ mua được một nền nhà phố.
Giá nhà đất tỉnh tăng cao vượt tầm tay
Chia sẻ về giá nhà đất tại các thị trường tỉnh, lãnh đạo một sàn môi giới tại Dĩ An, Bình Dương cho biết, giờ với tầm giá 1 tỷ đồng là rất khó để kiếm được sản phẩm ưng ý ở thị trường Dĩ An. Dù là đất nền hay căn hộ, nếu vị trí chấp nhập được, pháp lý sạch thì giá mềm cũng phải từ 1,5-2 tỷ đồng. Với tầm tài chính vài trăm triệu, môi giới chỉ có thể tư vấn khách tìm mua nhà đất ở các khu vực còn chưa nóng hay xa trung tâm và phải chấp nhận đầu tư dài hạn.
Thị trường ngày càng ít sản phẩm phù hợp cho nhà đầu tư vốn mỏng tham gia. Ảnh minh họa
Từ thực tề thị trường những năm qua cho thấy, việc đầu tư xây dựng hàng loạt hệ thống hạ tầng, cao tốc, mở rộng kết nối không gian phát triển các tỉnh Miền Đông Nam Bộ với TP.HCM và tốc độ đô thị hóa nhanh đã khiến thị trường BĐS các tỉnh thuộc khu vực phía Nam liên tục gia tăng sức hút đầu tư, kéo theo đó là giá nhà đất không ngừng biến động.
Cụ thể, theo tìm hiểu của Batdongsan.com.vn, tại khu vực các thành phố có lợi thế tiếp giáp với TP.HCM như Thuận An, Dĩ An của Bình Dương, giá chào bán đất nền và căn hộ tăng từ 50-100% chỉ sau 5 năm phát triển. Nếu thời điểm 2015-2017 giá căn hộ trung bình chỉ vào khoảng 16-25 triệu đồng/m2 thì năm 2019, con số này tăng vọt lên mức 30-37 triệu đồng/m2 và chạm ngưỡng 40-45 triệu đồng/m2 vào thời điểm 2020. Nhà phố tại 2 khu vực này có giá từ 60-120 triệu đồng/m2. Đất nền Long An có giá bán dao động từ 21-26 triệu đồng/m2 ở vùng trung tâm TP. Tân An, các vùng khác của tỉnh như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc cũng có giá bình quân đã đạt 13-15 triệu đồng/m2.
Với Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, câu chuyện tăng giá diễn ra tương tự. Giá đất Biên Hòa, Đồng Nai tăng bình quân từ 6-12 triệu đồng/m2 năm 2016-2017 lên mức 22 triệu đồng/m2. Đất tại Long Thành từ 3-5 triệu đồng/m2 lên mức hơn 15-18 triệu đồng/m2. Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu giá đất nền duy trì ổn định ở mức trung bình hơn 12-30 triệu đồng/m2. Căn hộ tiệm cận giá bình quân từ 38-45 triệu đồng/m2. Xa hơn là khu vực Cần Thơ, những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý gần trung tâm giá bình quân 20-50 triệu đồng/m2.
Trước đây, các thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp luôn là bến đỗ hợp lý cho những nhà đầu tư vốn mỏng tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên thông tin cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bến Lức- Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Cát Lái, đường vành đai 3, 4… được triển khai tạo ra những cơn sốt đất ngày càng lan rộng khiến mặt bằng giá đất tăng. Với chi phí hạn chế, người mua khó chạm tay vào sản phẩm tốt tại các thị trường này.
Phương Uyên