Trước gợi ý trên, trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, địa phương nhận thức rằng đây là chính sách lớn, có nhiều nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, cần cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện để phân tích, đánh giá và cân nhắc.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hoá kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ về thuế nhà ở, thực hiện thống nhất trên cả nước, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, ban hành vào thời điểm thích hợp sau này.
Về vấn đề này, 1 lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, năm 2018, bộ đã đưa ra dự thảo Luật Thuế tài sản, trong đó chủ yếu tính vào người có nhiều nhà, đất. Tuy nhiên, sau đó đánh giá lại đã tạm thời rút, do còn nhiều ý kiến khác nhau, hiệu quả về số thu chưa cao, chưa như kỳ vọng, trong khi chi phí để thu được thuế lại lớn.
“Các chính sách mới làm thay đổi trật tự hiện hành bao giờ cũng khó, nên muốn thay đổi cũng cần phải có lộ trình và làm dần. Trước đây triển khai thuế thu nhập cá nhân, ban đầu chỉ là thuế với người thu nhập cao, sau đó chuyển đổi và mở rộng dần để được ổn định như hôm nay.
Do đó, thuế tài sản có thể phải theo hướng đó, ban đầu có thể thí điểm trong một số địa bàn đô thị để đánh giá, sau đó mở rộng dần, như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội cho Thanh Hóa thí điểm”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Theo gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thanh Hoá có thể nghiên cứu thí điểm chính sách thuế tài sản tại khu vực đô thị, để có thêm nguồn thu. Nếu Thanh Hoá thí điểm thành công, sau này có thể nghiên cứu áp dụng thuế tài sản cho cho Hà Nội, TPHCM.