Xây dựng Hải Phòng trở thành động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước: Phát huy tiềm năng, lợi thế vượt trội của thành phố Cảng (Kỳ 3)

HPĐT)- Đồng chí Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy nhận định: Trong mọi thời điểm, Hải Phòng luôn có sự phát triển mạnh mẽ, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng và cả nước. Kết quả đó có được là nhờ thành phố khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, linh hoạt vận dụng các cơ chế, chính sách thuận lợi bước đầu của Trung ương và các mối liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước.

 

Cầu Bến Rừng kết nối thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, được xây dựng từ nguồn vốn của Trung ương và 2 địa phương. Ảnh: PHAN TUẤN

Kỳ 3: Nắm bắt tốt, lan tỏa cơ hội phát triển

 

Hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng 

Nắm bắt những cơ hội lớn để phát triển bứt phá, trở thành động lực phát triển của vùng và cả nước, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành các chương trình hành động, cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng thành các nhóm giải pháp chủ yếu. Đồng thời, coi đây là nền tảng để đề ra các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển, các nhiệm vụ và giải pháp lớn tại các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, cũng như lồng ghép việc tổ chức, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội vào các nghị quyết, chương trình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hằng năm của thành phố; vào Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị; vào Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành ủy chỉ đạo Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban cán sự đảng UBND thành phố khẩn trương cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Trên thực tế, nối tiếp thành công của Nghị quyết 32, từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025 đến nay, Hải Phòng bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết Đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, vượt qua các khó khăn, thách thức, trong đó có những thách thức chưa từng có tiền lệ để đạt được nhiều kết quả toàn diện. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Hải Phòng phát huy truyền thống “Trung dũng – Quyết thắng”, nỗ lực đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy được sức mạnh của toàn dân, đưa Hải Phòng bước vào thời kỳ phát triển mới với những thành tựu mới, dấu ấn mới. Điểm nổi bật là hệ thống chính trị toàn thành phố ổn định; tinh thần đoàn kết được lan tỏa; nguyên tắc tập trung, dân chủ và công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng được thực hiện nghiêm. Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, 3 năm thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội, Hải Phòng có nhiều điểm sáng về phát triển kinh tế- xã hội. Quy mô kinh tế thành phố không ngừng được mở rộng, luôn duy trì vị trí thứ 2 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, sau Thủ đô Hà Nội; giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức 2 chữ số trong suốt 9 năm liên tiếp.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế của thành phố khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, quyết sách và sự lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lãnh đạo phát triển kinh tế của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của HĐND, UBND thành phố. Cùng với đó, thành phố vận dụng linh hoạt một số cơ chế, chính sách đặc thù của Trung ương dành cho Hải Phòng trong Nghị quyết 89/2017 của Chính phủ, Nghị quyết 35 của Quốc hội để tạo động lực phát triển. Trên cơ sở tiếp nối những thành công từ các nhiệm kỳ trước trong việc xây dựng các chương trình hành động, ban hành các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ thành phố trên lĩnh vực kinh tế, quan điểm nhất quán của Thành ủy là bám sát định hướng của Đảng, yêu cầu phát triển của thành phố, phát huy tiềm năng, thế mạnh, xác định nhiệm vụ trọng tâm, khắc phục khâu yếu, giải quyết điểm nghẽn để phát triển bứt phá. Trong đó, định hướng của Đảng về phát triển kinh tế được cụ thể hóa thành 3 nhóm chương trình hành động với 10 nhiệm vụ cụ thể. Thành phố tập trung quyết liệt lập lại kỷ cương trong thu, chi ngân sách, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn nhằm tăng cường sức mạnh nội lực của nền kinh tế Hải Phòng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững. Các chương trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế được định hướng nhằm khai thác, tối ưu hóa những tiềm năng, lợi thế phát triển của Hải Phòng, tập trung vào ba trụ cột chủ yếu: Công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại. Các chương trình về xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường được quan tâm chú trọng. Đây là những mũi nhọn đột phá nhằm tạo nên nền tảng, bản sắc riêng cho sự bứt phá về diện mạo và sự phát triển chung của thành phố.

 

GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Hải Phòng đạt hơn 7.800 USD/người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với bình quân cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2019-2023 tăng trưởng bình quân đạt 6,96%/năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước. Hải Phòng liên tục nằm trong số các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc. Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thành phố có bước phát triển đột phá. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế được quan tâm với các chính sách vượt trội như: miễn học phí cho học sinh các bậc học từ mầm non đến THPT; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; các cơ chế, chính sách đãi ngộ người có công, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn đều thuộc nhóm cao của cả nước…

Cộng hưởng phát triển từ liên kết, hợp tác 

Ngày 16-9-2023, tại kỳ họp lần thứ 45 ở thủ đô Riyadh của A-rập Xê-út, Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là di sản thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên của Việt Nam, có giá trị đặc sắc, to lớn về nhiều mặt. Đồng thời, là kết quả của việc bám sát, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, nhất là nỗ lực bền bỉ, quyết tâm của thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh trong suốt thời gian dài chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ. Từ đây tạo thêm sức hút với du khách, mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch mới, nhưng cũng đòi hỏi cao hơn nữa sự hợp tác, phối hợp giữa hai địa phương, nhất là trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, phát triển nhân lực du lịch và bảo vệ môi trường tự nhiên. Sự kiện trên thúc đẩy triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng; giữa Hải Phòng và các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Dương trong giai đoạn 2023-2025.

Bên cạnh hợp tác phát triển du lịch, thành phố không ngừng tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong nhiều vực kinh tế khác. Xác định rõ vai trò là một động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, Hải Phòng không chỉ đẩy mạnh đà tăng trưởng kinh tế của địa phương, mà thành phố còn chủ động, nghiêm túc thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 30/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng- an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong giai đoạn 2019-2023, hợp tác, liên kết giữa Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhất là các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng đạt được nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục khẳng định vị thế của thành phố. Trong đó, thành phố tham gia ký kết thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông nhằm tăng cường phối hợp khai thác tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc trục cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái; đăng cai tổ chức Hội nghị giao ban vùng và Diễn đàn liên kết phát triển hạ tầng khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông. Đồng thời, tham gia tích cực, chủ động vào Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng; triển khai chương trình hợp tác với 7 địa phương trong cả nước; rà soát các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp để tăng cường liên kết, nhằm phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ, hạn chế sự trùng lặp về cơ cấu ngành, sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Các chương trình hợp tác, hỗ trợ, liên kết phát triển giữa thành phố với các địa phương trong vùng tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Về hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, thành phố và các địa phương bạn thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, xuất nhập khẩu, công tác quản lý thị trường; kinh nghiệm về quản lý công nghiệp, năng lượng, vật liệu nổ nông nghiệp, môi trường, an toàn thực phẩm, hóa chất… Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương; định hướng thay đổi tập quán kinh doanh theo hình thức chính ngạch, hạn chế rủi ro thương mại; tăng cường hợp tác, sử dụng hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử. Như với tỉnh Quảng Ninh, thành phố chủ động phối hợp xem xét, sử dụng chung khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ để phát triển hệ thống cảng phụ trợ cho Lạch Huyện tại Quảng Ninh; xây dựng Trung tâm thương mại tự do ở huyện Thủy Nguyên và một số địa phương của tỉnh bạn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thành phố triển khai các hoạt động hợp tác phát triển nông nghiệp, thủy sản; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp; cung cấp con giống thủy sản, như: cá truyền thống các loại, rô phi đơn tính, ngao thương phẩm, tôm thẻ chân trắng… Mặt khác, thường xuyên trao đổi, liên kết trong công tác phòng, chống dịch động vật giữa các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất, cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới…

Nổi bật, trong phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thành phố hoàn thành nhiều công trình giao thông có vai trò liên kết vùng để khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Với tỉnh Quảng Ninh, theo kế hoạch, cuối năm 2024, giữa Hải Phòng và địa phương này có thêm hành lang giao thông thứ tư khi cầu Lại Xuân nối huyện Thủy Nguyên và thị xã Đông Triều, có tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng được đưa vào khai thác. Trước đó, hai địa phương hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Bến Rừng, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Với tỉnh Hải Dương, hai địa phương hợp tác xây cầu Quang Thanh nối huyện An Lão với huyện Thanh Hà; cầu Dinh nối huyện Thủy Nguyên và thị xã Kinh Môn… Hiện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, tập trung triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng với cả vùng như đầu tư xây dựng các bến cảng tiếp theo tại Lạch Huyện; mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng) và tuyến đường sắt ven biển Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng-Quảng Ninh. Từ đó, mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm… để nâng cao tốc độ và chất lượng tăng trưởng của thành phố, góp phần thúc đẩy các địa phương trong vùng cùng phát triển.

 

Xem các tin khác: