Những phân khúc bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch

Đại dịch Covid-19 với giãn cách, hạn chế tụ tập đông người đã làm nền kinh tế chao đảo. Bất động sản một trong những lĩnh vực không thể tách rời của hệ thống kinh tế cũng chịu những tác động nặng nề. Những phân khúc, loại hình nào của bất động sản chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua?

Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm từ năm 2019 sau một thời gian phát triển nóng. Đại dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp trong suốt 2 năm qua khiến thị trường nhận thêm những cú bồi chí tử khiến thị trường bất động sản Việt Nam vốn giảm tốc từ năm 2019 càng thêm khó khăn.

Giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người khiến việc tổ chức các lễ mở bán của các chủ đầu tư, các sàn cũng như việc gặp gỡ khách hàng của môi giới không thể thực hiện. Bức tranh chung của thị trường bất động sản là trầm lắng, thậm chí một số phân khúc đóng băng, tê liệt một thời gian. Những loại hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 2 năm đại dịch là bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, bất động sản bán lẻ và bất động sản nhà ở.

Trong suốt 2 năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh do đại dịch diễn biến phức tạp. Các chính sách hạn chế nhập cảnh, đóng cửa biên giới, cắt giảm tần suất đường bay quốc tế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan. Thực trạng này khiến hoạt động du lịch bị gián đoạn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói, khách quốc tế đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy du lịch phát triển bởi khả năng chi trả cao và thời gian lưu trú dài ngày. Báo cáo Tổng cục Du lịch cho biết khách quốc tế chiếm 45% nhưng tổng thu chiếm tới 55%, trong khi khách nội địa chiếm 55% nhưng tổng thu chỉ đạt 45%.

Nhiều phân khúc của thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh trong 2 năm qua

Những thị trường trọng điểm về phát triển du lịch cũng chứng kiến doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh. Cụ thể, Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 56,2%; Thừa Thiên – Huế giảm 63,1%; Bình Dương giảm 67,8%; Quảng Nam giảm 82,4%; Khánh Hòa giảm 89,5%.

Theo báo cáo thị trường của Bộ Xây dựng, giá cho thuê bình quân phòng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng giảm khoảng 20-25% so với thời điểm đầu năm 2021. Đáng nói cả năm 2020 và đầu 2021 vẫn đang là thời kì suy giảm của bất động sản nghĩ dưỡng. Như vậy, phân khúc này liên tục chứng kiến đà sụt giảm. Ngoài ra, một số dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng đã phải lùi lịch khai trương do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào tháng 5.

Bên cạnh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản bán lẻ cũng là phân khúc chiuạ ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Đơn cử, tại thị trường Hà Nội, số liệu của CBRE cho biết các trung tâm thương mại ở khu vực các quận mới như Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, tỷ lệ trống lên tới 35-45%, số còn lại hầu như chỉ mở cửa để duy trì hoạt động. Còn mặt bằng nhà phố các quận trung tâm, cũng chỉ có khoảng 50% mở cửa đón khách. Cùng với việc tỷ lệ trống tăng cao thì giá cho thuê giảm đáng kể. Giá chào thuê mới trung bình tầng trệt và tầng 1 khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng, giảm 4% theo quý và giảm 4% theo năm.

Tại TP.HCM, dữ liệu của Savills cho thấy, tỷ lệ tăng giá hằng năm cũng giảm từ trung bình tăng 8% mỗi năm nay chỉ còn 5% mỗi năm, khiến tổng giá trị của một chu kỳ thuê của 1 bất động sản thương mại giảm đáng kể. giá thuê cho hợp đồng mới phần lớn được giữ nguyên, thậm chí giảm 20-30%. Nhiều trung tâm Thương mại lớn, chủ đầu tư giảm giá thuê 20-50% tùy ngành hàng vào những tháng thấp điểm lượng khách mua sắm, miễn phí tiền thuê, miễn phí Phí dịch vụ hoặc giảm 50% Phí dịch vụ trong suốt thời gian giãn cách các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa theo Quy định Chính phủ.

Bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM cũng ghi nhận tình trạng ảm đạm. Tại thị trường Hà Nội, theo số liệu của Savills, trong quý 3/2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nghiêm trọng cùng với việc giãn cách toàn thành phố trong vòng hai tháng khiến số lượng căn bán được trong quý khoảng 2.400 căn, giảm 50% theo quý.

Tại TP.HCM, trong quý 3/2021, nguồn cung sơ cấp đạt khoảng 3.000 căn, mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, giảm 18% theo quý và 70% theo năm. Trong đó có 11 dự án đang tạm ngưng bán, trong khi nguồn cung mới bị hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp. Nguồn cung mới đạt khoảng 350 căn đến từ một dự án mới và các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu, giảm 78% theo quý và 95% theo năm. Lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ của quý 3/2021 ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Tổng lượng giao dịch chỉ hơn 400 căn, giảm 70% theo quý và 94% theo năm, trong khi tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%.

Năm 2022, bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam sẽ như thế nào? Những phân khúc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh liệu có khởi sắc? Loại hình nào sẽ lên ngôi trong năm tới? Vres 2021 của Batdongsan.com.vn sẽ hé mở những điều này.

Xem các tin khác: