Quý 3/2021, giá căn hộ chung cư vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ, trong khi đất nền giảm co xu hướng đi ngang, không giảm nhiều vì Covid 19.
Dành dụm tiền tính toán mua một căn nhà riêng tại quận Tân Phú, TP.HCM, chị Hồng Trang chọn thời điểm dịch để mua nhà với hi vọng thị trường khó khăn giá nhà sẽ giảm. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng tìm kiếm, chị nhận ra giá nhà tăng bất chấp khó khăn của dịch bệnh. “Cầm 4 tỷ đồng mà không mua nổi căn nhà riêng nào có hẻm xe hơi. Hồi tháng 8 năm ngoái có ưng ý một căn nhà riêng nhưng giá lúc đó chủ nhà đòi giá hơn 75 triệu đồng/m2 mình không đủ tiền mua. Giờ quay lại chính căn nhà đó thì chủ nhà nói phải 90 triệu đồng/m2 mới bán. Nhiều căn nhà khác giá cũng tăng lên chứ không hề giảm như nhiều người phỏng đoán”, chị Trang cho hay
Tương tự, anh Nguyễn Tùng (TP. Thủ Đức) cho biết, đang cần tìm mua một căn chung cư trên khu vưc phía Đông. Do tài chính khó khăn nên anh tính mua nhà hình thành trong tương lai để dễ bề thanh toán và nhận nhiều ưu đãi. Thời điểm đầu năm, anh vẫn tìm được một số dự án lân cận giá 38-40 triệu đồng/m2 giờ tăng lên thêm ít nhất 3-4 triệu đồng/m2. Thậm chí nhiều dự án mới chuẩn bị triển khai có giá rumor lên đến 60-70 triệu đồng/m2. Dịch bệnh khó khăn nhưng giá nhà vẫn tăng chóng mặt khiến anh Tùng đành phải chuyển sang tìm mua các dự án cũ ở thị trường thứ cấp vì không theo nổi nguồn hàng sơ cấp giá ngày một cao.
Bên cạnh cơn bão giá vật liệu, thiếu hụt nguồn cung cũng là yếu tố khiến giá nhà đất tại TP.HCM liên tục tăng trong thời gian qua.
Báo cáo nghiên cứu thị trường quý 3/2021 của Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội tiếp tục xu hướng tăng bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh. Theo đó, giá căn hộ tại TP.HCM tăng 4%, nhà riêng/nhà phố tăng từ 2-20% tùy loại hình và khu vực. Tương tự, ở Hà Nội, giá chung cư tăng trung bình 4-7% trong khi nhà riêng/nhà phố tăng 7-17% so với cùng kỳ.
Số liệu báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 3/2021, do Covid-19 thị trường không có nguồn cung dự án mới, lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh so với quý 2. Tỷ lệ hấp thụ các loại sản phẩm nhà ở chỉ đạt 40% lượng chào bán trên thị trường. Với đất nền, tỷ lệ này cao hơn đạt khoảng 50%. Dù vậy, giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như không giảm. Các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh bất động sản vẫn giữ mức giá chào bán đã thiết lập từ cuối quý 2, thậm chí giá căn hộ chung cư ở các phân khúc còn có xu hướng tăng nhẹ khoảng 1-2%.
Nghiên cứu từ Savills Việt Nam, quý 3 vừa qua, giá bán BĐS trung bình trên thị trường sơ cấp tăng 17% so với cùng kỳ 2020, giá căn hộ thứ cấp tăng lên đến 10% tại 11 quận huyện. Trong đó, huyện Nhà Bè có mức tăng giá bán thứ cấp cao nhất, lên tới 12%. Nguyên nhân khiến giá nhà đất tiếp tục tăng trong đại dịch Covid-19 là nguồn cung khan hiếm, nhu cầu đầu tư bất động sản lớn. Trong quý 3/2021, nguồn cung sơ cấp với chung cư chỉ đạt khoảng 3.000 căn, giảm 70% so với năm trước. Tỷ lệ hấp thụ căn hộ trong quý 3 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, với tổng lượng giao dịch toàn TPHCM chỉ hơn 400 căn, giảm 94% so với năm 2020.
Theo đại diện Bộ Xây dựng nhìn nhận, giá bán nhà ở các phân khúc bất động sản có xu hướng bị đẩy giá có phần nguyên nhân từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng do khó khăn, thậm chí đứt gãy trong sản xuất, cung ứng. Có thời điểm giá sắt thép đã tăng xấp xỉ 30-40% so với cuối năm 2020. Giá các vật liệu như xi măng, cát, gạch… cũng tăng. Điều này đã khiến việc giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng thu nhập thấp ngày càng khó khăn hơn.
Lý giải việc giá bất động sản vẫn có xu hướng tăng, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn cho rằng, nguồn cung khan hiếm cộng với dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối dồi dào là những nguyên nhân chính. Hiện nay một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực khác đang có xu hướng đổ vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư cũng tạo áp lực tăng giá. Dù kinh tế khó khăn do dịch Covid-19 thì nhu cầu nhà ở vẫn luôn cao. Càng trong dịch bệnh, người dân càng mong muốn sở hữu một ngôi nhà riêng an toàn. Từ đầu năm 2021, dòng tiền đổ vào bất động sản tăng nhanh khiến nhiều nơi còn xảy ra tình trạng sốt đất.
Xu hướng tăng giá BĐS được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi yếu tố nguồn cung vẫn chưa được giải khóa trong quý 4/2021.
Nhìn nhận về biến động giá BĐS trong các quý tới đây, ông Quốc Anh cho rằng, nhu cầu nhà ở luôn gia tăng nên dòng tiền vào BĐS chưa bao giờ giảm. Giá BĐS 2 năm vừa qua tăng trên thế giới tăng khoảng 5,6%. Ở những quốc gia có tỷ lệ kiểm soát dịch tốt, tỷ lệ tăng giá BĐS rất cao. Giá nhà tại Việt Nam sẽ khó có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Dự báo về điểm phục hồi hoàn toàn, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, mỗi địa phương có những thời điểm phục hồi khác nhau. Thị trường Hà Nội sẽ có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung nhanh và sớm nhất cả nước. Dự kiến trong khoảng cuối tháng 10, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất tại Hà Nội sẽ đạt mức 100% so với thời điểm trước dịch. Tương tự, thị trường nhà đất miền Trung, cụ thể là TP. Đà Nẵng, có thể phục hồi 100% nhu cầu giao dịch vào cuối năm nếu những điều kiện trên được đáp ứng. Đối với thị trường TP.HCM, nếu những thành quả chống dịch được duy trì, việc mở cửa lại nền kinh tế thuận lợi, thành phố có thể phục hồi hoàn toàn nhu cầu giao dịch nhà đất trong tháng 11.
Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Dự kiến vào tháng 1/2022, người mua có thể đến tham dự các sự kiện giới thiệu hoặc mở bán dự án của chủ đầu tư, điều này giúp thị trường bất động sản đón tín hiệu tươi sáng về cả nguồn cung và giao dịch. Một khi nguồn cung được giải khai, giá nhà sẽ có xu hướng bình ổn.
Phương Uyên