BĐS tuần qua: Giá thuê khu công nghiệp tăng cao, 2 dự án tỷ USD của Vingroup

Giá thuê khu công nghiệp đồng loạt tăng, có nơi tăng 18%

Theo Counterpoint, khi ngày càng nhiều công ty chuyển hoạt động sang Việt Nam, nhu cầu thuê cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp của Việt Nam sẽ tăng vọt. Trong 6 năm tới, ngành sản xuất điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm kép 5%. Doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng quy mô đáng kể nhờ việc lĩnh vực chế tạo đang tăng trưởng theo cấp số nhân, cùng với nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực điện tử và ô tô.

Trong khi đó, chi phí nhân công rất thấp kết hợp với chi phí năng lượng vô cùng thấp đã giúp cho Việt Nam, đứng đầu là Hà Nội, trở thành nơi có chi phí vận hành thấp nhất trong nghiên cứu của Savills toàn cầu. Những chi phí thấp này giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia, song Chính phủ cũng đang chủ động nhắm đến các công ty có giá trị cao.

Cũng theo Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp tại Việt Nam tăng từ 2018 dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu thuê dâng cao ở một số nơi. Từ đó, giá thuê đã tăng mạnh. Tại phía Bắc, giá thuê tăng cao nhất 15% đối với Hải Dương còn phía Nam là 18% ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

STT

Địa phương

Giá thuê (USD/m2)

Mức tăng (%)

1

Hà Nội

129

13

2

Bắc Ninh

95

9,2

3

Hưng Yên

83

6,4

4

Hải Dương

75

15,1

5

TP HCM

147

4,9

6

Long An

123

7,8

7

Bình Dương

107

4,9

8

Đồng Nai

98

6,5

9

Bà Rịa – Vũng Tàu

65

18,1

Vẫn là câu chuyện “sốt đất”

Sau khi cơn “sốt đất” bùng nổ, nhiều địa phương, cơ quan quản lý bắt đầu vào cuộc. Tại Đông Anh (Hà Nội), nơi giá đất sôi sục từng giờ, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh lý giải lý do một phần do khung giá đất điều chỉnh tăng, thông tin về đồ án quy hoạch sông Hồng… Đồng thời, do sự nhìn nhận của người dân và các nhà đầu tư về sự phát triển của Đông Anh- khu vực đang có giá trị phát triển đô thị cao đối với TP Hà Nội.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết việc dịch chuyển dòng vốn, tiền tệ sang thị trường bất động sản hay thị trường khác đều được kiểm soát chặt chẽ.

2 dự án tỷ USD của Vingroup

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Đại An do CTCP Vinhomes (công ty con của Vingroup) làm chủ đầu tư, diện tích gần 294 ha. Khu đô thị có địa chỉ tại xã Tân Quang, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm và xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Vốn đầu tư dự án khoảng 32.661 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 6 năm kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư và thời hạn hoạt động dự án trong 50 năm.

Trong tuần, Vingroup cũng khởi động dự án Làng Vân – Đà Nẵng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu. Dự án có diện tích gần 1.000 ha do CTCP Vinpearl, công ty con thuộc tập đoàn Vingroup, làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng.

m3sdd6da-7772-1582100006-3221-7394-5979-

Một dự án của Vinhomes. Ảnh: VHM

Đà Nẵng giảm giá đất

UBND TP Đà Nẵng công bố quyết định điều chỉnh bảng giá đất chu kỳ 2020 – 2024. Theo đó, thành phố quyết định điều chỉnh tỉ lệ % giá đất thương mại – dịch vụ (TMDV) và sản xuất – kinh doanh (SXKD) so với giá đất ở cùng vị trí. Cụ thể, giá đất TMDV điều chỉnh từ 80% thành 70%; giá đất SXKD điều chỉnh từ 60% thành 50% (cùng giảm 10% so với hiện nay). Theo UBND TP Đà Nẵng, việc điều chỉnh giảm nêu trên sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho nhà đầu tư.

Tin từ TP HCM

Trong quý I, Sở Xây dựng TP HCM  đã xác nhận 5 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, bao gồm quận 1, quận 9 (TP Thủ Đức mới), quận 6 và huyện Nhà Bè.

STT

Tên dự án

Chủ đầu tư

Địa chỉ

Sản phẩm đủ điều kiện bán

1

Tòa nhà căn hộ, văn phòng dịch vụ, thương mại dịch vụ HH5 – 1 Khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son

Công ty TNHH Hưng Phát Invest Hà Nội

Số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1

243 căn hộ ở

2

Trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ

Công ty TNHH Gotec Việt Nam

Số 336/20 Nguyễn Văn Luông, quận 6

270 căn hộ chung cư

3

Khu dân cư và công viên Phước Thiện

CTCP Phát triển Thành phố Xanh

Phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, quận 9 (TP Thủ Đức)

27 căn nhà ở thấp tầng thuộc khu C

4

Khu nhà ở cao tầng thuộc các lô đất A1 đến A6, Khu dân cư và công viên Phước Thiện

CTCP Kinh doanh bất động sản MV Việt Nam

Phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, quận 9 (TP Thủ Đức)

1.904 căn hộ thuộc lô A2

5

Khu nhà ở xã phú Xuân, huyện Nhà Bè

CTCP Thương mại – Xây dựng Hồng Thịnh

Xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè

117 căn

6

Khu dân cư và công viên Phước Thiện

CTCP Kinh doanh bất động sản MV Việt Nam

Phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, quận 9 (TP Thủ Đức)

882 căn hộ chung cư  thuộc lô A1

TP HCM đề xuất đầu tư 2 dự án 4.800 tỷ đồng ở huyện Hóc Môn, gồm Dự án cải tạo rạch Hóc Môn, đường song hành Phan Văn Hớn để giảm ngập, kẹt xe cho khu vực.

Thủ tướng ký Nghị quyết gỡ vướng để TP HCM tiếp tục triển khai dự án ngăn triều cho khu vực TP HCM có xét yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). UBND TP HCM chịu trách nhiệm thanh toán cho nhà đầu tư và rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý để hoàn thành dự án chống ngập, ngăn triều 10.000 tỷ đồng. TP HCM thống nhất với Ngân hàng Nhà nước cùng Ngân hàng BIDV về việc tái cấp vốn vay thực hiện dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan thông tin, huyện Cần Giờ được định hướng sẽ lên thành phố chứ không chỉ là quận, bởi chỉ cần tập trung phát triển 2 đầu Bắc – Nam là có thể đạt được chuẩn đô thị du lịch sinh thái. Huyện Cần Giờ có lợi thế là đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để đi nhanh, đi sớm hơn nữa.

UBND TP Thủ Đức vừa kiến nghị UBND TP HCM cùng sở, ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc của 10 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn, trong đó có 5 dự án đang thi công dang dở. Trong đó, 3 cây cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại cùng đường Đỗ Xuân Hợp và đường Vành đai 2 đều là những công trình trọng điểm. Tuy nhiên, các dự án đang ‘đứng hình’ vì vướng mắc về nguồn vốn, mặt bằng, ranh dự án.

Một số tin đáng chú ý khác

Trong cuộc họp với Thủ tướng, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ 2 để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm. Trong khi đó, đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 chỉ ra 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô. Các vị trí sân bay gồm Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.

Cũng tại Hà Nội, địa phương này đề xuất chi 26.000 tỷ đồng làm cầu Tứ Liên và cầu Thượng Cát qua sông Hồng, theo hình thức đầu tư công hoặc hình thức đầu tư khác phù hợp.

Bộ GTVT trình Thủ tướng giao tỉnh Quảng Trị tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án sân bay Quảng Trị. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị theo phương thức PPP là phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tương tự như sân bay quốc tế Vân Đồn đã được đầu tư.

Xem các tin khác: