Từng bước chinh phục biển sâu

(HPĐT)- Cuối tháng 3-2011, thành phố Hải Phòng họp để chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng đón hơn 1.000 lao động Việt Nam di tản từ Libya về bằng tàu biển. Tất cả đã sẵn sàng để đón tàu trở về khu vực cảng biển Hải Phòng dự kiến khoảng ngày 3,4-4-2011. Nhưng ngày hôm sau, toàn bộ kế hoạch phải hủy bỏ vì lúc đó ngành Hàng hải Việt Nam mới biết được thông số của con tàu…

Lắp đặt thiết bị tại bến số 3,4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa

 

Vượt qua khó khăn

Con tàu được thuê của doanh nghiệp vận tải Brazil đưa lao động Việt Nam từ Libya về nước là con tàu lớn, có mớn nước sâu hơn độ sâu của luồng hàng hải để vào các cảng biển Hải Phòng. Vì vậy, thời điểm đó, không cảng nào có thể tiếp nhận được con tàu này, do đó, kế hoạch đưa tàu về Hải Phòng không thể thực hiện được, phải chuyển sang cảng biển Quảng Ninh. Qua sự kiện này mới thấy luồng tàu vào các cảng biển Hải Phòng đang bị sa bồi và không đạt chuẩn. Không chỉ con tàu của Brazil mà nhiều tàu lớn không thể vào được cảng biển Hải Phòng, nếu muốn vào buộc phải chuyển tải, giảm tải. Trước bất cập ấy, yêu cầu nạo vét luồng tàu trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, bởi tàu lớn vào cảng, lượng hàng hóa theo đó sẽ tăng gấp nhiều lần và nâng cao uy tín của Hải Phòng.

Tháng 11-2011, Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc báo tin vui: Chính phủ cho phép nạo vét luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng đạt chuẩn tắc. Sau một năm tích cực thi công, tháng 10- 2012, Tổng công ty chính thức công bố hoàn thành nạo vét luồng Hải Phòng đạt theo đúng chuẩn tắc thiết kế. Theo đó, gần 3 triệu m3 bùn đất được vớt lên tại tuyến luồng: Lạch Huyện- Hà Nam- Đình Vũsông Cấm, độ sâu lần lượt là âm 7,2 m, âm 7 m, âm 6,5 m, âm 5,5 m… Kể từ cuối năm 2012, cảng biển Hải Phòng lần lượt đón những con tàu 50.000 tấn giảm tải vào làm hàng- điều xưa nay hiếm khi xảy ra. Từ luồng sâu, đón tàu lớn, năm 2012, cảng biển Hải Phòng đạt lượng hàng hóa lên đến gần 57 triệu tấn, chính thức vượt qua quy hoạch hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng năm 2015 là 50 triệu tấn.

Sau 13 năm, luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng có sự thay đổi lớn với các cảng được xây dựng tại Lạch Huyện. Đoạn luồng sâu âm 7,2 m từng là đoạn sâu nhất đã trở thành quá khứ, bởi luồng tàu vào Lạch Huyện ngày nay sâu đến âm 14 m, có đoạn sâu âm 16 m. Năm 2019, Hải Phòng có tên trên bản đồ hàng hải thế giới, là địa phương có cảng trong tốp 20 cảng nước sâu trên thế giới.

 

Đưa Hải Phòng tiến nhanh về phía biển

Những năm gần đây, luồng tàu vào cảng đạt độ sâu thích hợp là điều kiện để các doanh nghiệp cảng biển mở rộng sản xuất-kinh doanh, nhất là đa dạng hóa các loại hình dịch vụ để tận dụng tối đa khả năng về cơ sở vật chất. Đơn vị phải “thuộc lòng” từng đoạn độ sâu luồng chính là Hoa tiêu hàng hải, bởi hằng ngày họ phải phối hợp dẫn tàu vào cảng trên khắp các tuyến luồng. Theo đại diện lãnh đạo Công ty Hoa tiêu Hàng hải Khu vực 2, trước đây luồng cạn, mỗi lần thông số luồng thay đổi, anh em trong đơn vị vất vả nghiên cứu đường cho tàu chạy dựa theo thông số luồng. Nhưng nay luồng đã sâu hơn, việc dẫn tàu thuận lợi hơn, an toàn hàng hải được nâng lên.

Luồng tàu vào cảng biển Hải Phòng là tuyến luồng trọng điểm quốc gia và là tuyến luồng giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng. Bằng nhiều nguồn kinh phí, kể cả xã hội hóa, hệ thống luồng tàu vẫn đang bảo đảm duy trì độ sâu và đó là “con đường” biển quan trọng đưa tàu về với cảng. Mặt khác, đó cũng là con đường đưa Hải Phòng tiến nhanh về phía biển khai thác tiềm năng, lợi thế và từng bước tạo nên những cụm cảng biển liên hoàn.

Theo quy hoạch, tại đảo Cát Hải dự kiến sẽ có từ 16 đến 23 bến cảng, trong khi đó quý 1-2025 mới chỉ có 6 bến đưa vào khai thác gồm bến 1, 2 của HITC, bến 3, 4 của Cảng Hải Phòng và bến 5, 6 của Hateco, việc triển khai đưa Cát Hải thành “đảo cảng” mới chỉ là bước đầu, bởi lúc đó luồng sẽ phải mở rộng thêm. Hơn nữa, khu vực cảng Nam Đồ Sơn sẽ triển khai trong thời gian tới có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn tấn là bước đi đầy táo bạo và sẽ gắn với sự hình thành, phát triển khu kinh tế ven biển phía Nam… tạo động lực để Hải Phòng tiến nhanh hơn, xa hơn về phía biển, từng bước chinh phục biển sâu…

Xem các tin khác: